0938 090 666
logo Đăng ký

Quảng Ninh đánh thức tiềm năng vịnh Bái Tử Long

Ngày đăng: 18/11/2024

Được ví là "chị em song sinh" với vịnh Hạ Long, nhưng bấy lâu nay, vịnh Bái Tử Long như "nàng công chúa ngủ trong rừng". Vì thế, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đánh thức tiềm năng du lịch này.

Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí
Cùng đoàn công tác của Ban Quản lý vườn Quốc gia Bái Tử Long đi thực địa vịnh Bái Tử Long, PV Báo Giao thông tận thấy những đảo đá với hình thù đa sắc, những cánh rừng nguyên sinh đa dạng động thực vật bạt ngàn chạy tít tắp và những bãi cát trắng mịn màng nằm ôm ấp chân các hòn đảo…

Ông Nguyễn Hải Khiên (ngồi giữa) cùng các cộng sự trong chuyến khảo sát, nghiên cứu Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

 Ông Nguyễn Hải Khiên, nguyên Phó giám đốc Vườn Quốc gia Bái Tử Long cho biết: Bái Tử Long rộng 61,25km2 và khu vực biển thủy sinh có diện tích 96,58km2 với trên 630 hòn đảo, 23 đảo có người ở.

Vịnh Bái Tử Long có nhiều trầm tích văn hóa, giá trị du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Trong đó văn hóa Soi Nhụ nôi người tiền sử Việt Nam có niên đại khoảng 25.000 năm trước, tương đương với văn hóa Hòa Bình, văn hóa Võ Nhai (Thái Nguyên).

Nơi đây cũng còn nhiều chứng tích về thương cảng Vân Đồn, nơi cửa biển giao thương sầm uất trong 3 triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê kéo dài 7 thế kỷ.

Vùng đất này cũng được ghi nhận là nơi phát tích cảng biển xuất khẩu than tại Kế Bào ở xã Vạn Yên - một trong những nơi xuất hiện nghề mỏ than sớm nhất của Quảng Ninh.


Trên mặt vịnh Bái Tử Long có những đảo đá với hình thù kỳ thú.

Không chỉ có trầm tích văn hóa, lịch sử, vịnh Bái Tử Long trên là rừng nguyên sinh với khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn, dưới là vùng biển với hệ sinh thái đa dạng, quý hiếm…

Khu bảo tồn thiên nhiên Ba Mùn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển hạng thành Vườn quốc gia Bái Tử Long, ngày 1/6/2021 có diện tích 15.783ha. Trong đó có diện tích rừng, đất rừng là 6.125ha và diện tích mặt nước biển, vụng áng, bãi triều ngập mặn 9.650ha, với trên 80 đảo lớn nhỏ.

Vườn quốc gia Bái Tử Long là một vùng đất rộng lớn với hệ sinh thái phong phú với 2.415 loài sinh vật, trong đó động thực vật rừng có 1.195 loài và 1.220 loài sinh vật biển. Tổng số loài hoang thú, kình ngư đã được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới ở nơi đây lên tới trên 100 loài, tiêu biểu như rùa biển, vích, cá heo...

Tiêu điểm Vườn quốc gia Bái Tử Long là đảo Ba Mùn rộng khoảng 1.800ha được coi là kho tàng sinh học với đa dạng các loài động, thực vật. Rừng nơi đây có nhiều cây gỗ lớn thuộc họ mộc tứ thiết như đinh, lim, sến, táu.. thân cây cổ thụ 2-3 người ôm; và nhiều hoang thú, dưới nước hệ sinh thái rạn san hô với 106 loài.

Vịnh Bái Tử Long được thời kỳ địa chất thứ II tạo dựng nên địa mạo khác biệt, kỳ thú. Nổi bật là các hang động hoang sơ như Cặp Kỳ Nhảy, Cặp Kỳ Giã, hang ngầm xuyên núi Cái Đé. Trên mặt biệt có những hòn đảo nhỏ, biệt lập mang dáng hình con gà, con quạ…

Với sự đa dạng, đặc thù như vậy, ngày 19/5/2017, vườn quốc gia Bái Tử Long được trao chứng nhận là Vườn di sản Asean đầu tiên và duy nhất của Quảng Ninh cho đến nay.


Vườn Quốc gia Bái Tử Long còn lưu giữ được những cánh rừng nguyên sinh với thảm động, thực vật đặc hữu phong phú.

Vịnh Bái Tử Long lại nằm ở vị trí giao thông thuận lợi vì có cao tốc, sân bay, đường thủy lại kề với vịnh Hạ Long.

"Vậy mà thời gian qua, hoạt động du lịch trên vịnh Bái Tử Long rất hạn chế. Trong khi "chị em song sinh" là vịnh Hạ Long đón tới trên chục triệu khách du lịch mỗi năm thì nơi đây chỉ có khoảng 1 triệu lượt người", ông Khiên cho biết.

Đáng nói, du khách đến với vịnh Bái Tử Long chủ yếu là đến các điểm du lịch tâm linh vãn cảnh chùa Cái Bầu, đền Cặp Tiên, Quan Lạn và nghỉ dưỡng tại các bãi biển truyền thống ở đảo Cô Tô và quần đảo Vân Hải. Còn ở hầu khắp các bãi biển có bãi cát trắng mịn trải dài như ở Ngọc Vừng, Vạn Yên, Cái Rồng… thì vẫn vắng bóng du khách. .

"Việc phát triển du lịch trên vịnh Bái Tử Long sẽ là thời cơ mới để Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng "từ nâu sang xanh" mà địa phương đã và đang triển khai", ông Khiên khẳng định.

Phát triển đội tàu, đầu tư hạ tầng cảng bến
Ông Nguyễn Lâm Nguyên, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: Nhằm tạo không gian phát triển du lịch cho vịnh Bái Tử Long, giảm tải cho vịnh Hạ Long, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao, trải nghiệm khám phá không gian mới lạ, mới đây, Quảng Ninh đã công bố các hành trình kết nối không gian vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.

Cụ thể là có 3 hành trình kết nối vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long và 10 hành trình trên vịnh Bái Tử Long.

Dù sở hữu nhiều bãi cát trắng hoang sơ, nhưng vịnh Bái Tử Long vẫn thưa, vắng bóng khách du lịch.

Cùng với đó, huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả đã khảo sát kết nối các điểm tham quan, điểm du lịch, khu du lịch theo các hành trình tham quan, du lịch được công bố, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất để thiết lập khu neo đậu tàu du lịch trên vịnh Bái Tử Long

Theo ông Nguyên, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp du lịch đã nghiên cứu phát triển các hành trình du lịch riêng hướng tới thị trường du lịch cao cấp trên vịnh Bái Tử Long. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khảo sát, tìm địa điểm, xây dựng phương án phục vụ trên nguyên tắc đảm bảo an toàn, có vị trí đặc biệt, độc đáo.

Hiện đã có một số doanh nghiệp đã sẵn sàng chào bán các tour du lịch kết nối vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

"Việc mở rộng không gian du lịch khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long chắc chắn sẽ góp phần tạo thêm các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, góp phần tránh quá tải cục bộ cho vịnh Hạ Long, kéo dài thời gian lưu trú của du khách", ông Nguyên nói.

Cảng cao cấp Ao Tiên ở huyện Vân Đồn mới được đưa vào sử dụng, có thể đáp ứng được nơi neo, đậu của hơn 100 tàu du lịch.

Muốn phát triển được du lịch vịnh Bái Tử Long thì vấn đề cốt lõi là phải có hạ tầng cảng, bến, đội tàu du lịch.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Thường trực Sở GTVT Quảng Ninh, cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành dự thảo kế hoạch phát triển đội tàu, giải giải pháp nâng cao chất lượng đội tàu du lịch ở vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Theo đó, trên vịnh Bái Tử Long, có các cảng bến đủ điều kiện tiếp nhận tàu du lịch là cảng Ao Tiên (50 -70 tàu), bến Hoàng Gia, Vũng Đục (10- 15 tàu), bến Bản Sen (8-10 tàu), bến Quan Lạn, Minh Châu (15 tàu), bến Thắng lợi, Ngọc Vừng (6-8 tàu).

Tỉnh đã căn cứ vào khả năng tiếp nhận tàu du lịch của các cảng, bến hiện nay đủ điều kiện tiếp nhận để bổ sung 100 tàu du lịch.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang rà soát để đầu tư nâng cấp, nạo vét vùng nước, luồng vào bến, mở rộng quy mô các cảng, bến hành khách hiện để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận tàu du lịch...

"Các cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu đầu tư khu neo đậu ngủ đêm (Bản Sen - hang Nhà Trò, Hang Phất Cờ, Máng Hà), vùng hoạt động vui chơi, giải trí trên vịnh Bái Tử Long. Cùng với đó sẽ từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng tại các cảng, bến khách để đón được các tàu công suất lớn; ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách du lịch... khi các điểm, tuyến du lịch trên vịnh Bái Tử Long được đưa vào hoạt động", ông Minh thông tin.

Chính sách
Đăng ký